Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

CÂU TRẢ LỜI CHO BẠN CỦA TÔI

Các bạn bè của tôi khi được biết về chương trình CƠM CÓ THỊT đều không có vẻ không tin và thắc mắc bao nhiêu quỹ vì người nghèo ở đâu, rồi nhà nước ở đâu, bản thân thì mù tịt về chính quyền đoàn thể nên  mình mắc nợ một câu trả lời , và kết quả của sự vận động là con số 0 to bằng cái mặt mình. May quá hôm nay lại tìm được bài viết của anh Hải, thôi thì cũng là cách giải thích cho các bạn còn thắc mắc.
NGÀY MAI LẠI LÊN PA CHEO Pa Cheo là xã thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai). Xã có diện tích 28,12 km² và người dân sinh sống ở đây, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cái xã có tên như... vườn treo này, nằm ở phía nam của huyện Bát Xát, cách huyện lị khoảng 40 km về phía tây, cách trung tâm cụm xã Bản Xèo 11 km với địa hình rất phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao.

Ngày xưa, kể chuyện lên tới được Pa Cheo, người dân Hoàng Liên Sơn mắt tròn mặt dẹt, bởi nơi đó giống như vùng đất bị lãng quên, có những bản, muốn lên được chỉ có cách đi bộ và... nắm đuôi ngựa (kéo lên).

Bây giờ, "Ơn Đảng, ơn Chính phủ", đường đã mở tới trung tâm xã cho xe máy ọc ạnh trèo tới nơi, ôtô gầm cao có khật khừ học đòi cố lắm bươn bả đến được và dĩ nhiên khi về, không nằm gara vài ngày thì chớ kể... Nhiều sự thay đổi, cho Pa Cheo bây giờ khác với ngày xưa.

Thế nhưng, có điều mà hình như người ta quên, khiến bọn trẻ cơn lớp "chồi", lớp "lá" ở Pa Cheo vẫn chả khác gì những lít nhít ngày xưa. Đó tựu trung lại trong 2 chữ "thiếu - đói" với biểu hiện rất đơn giản: Không cơm thịt, không quần áo lành và không có nước rửa mặt...

Mình chả biết đến khi nào, Đảng - Chính phủ mới xóa được những gì đang diễn ra ở Mầm non Pa Cheo, cũng như bao Pa Cheo phẩy, ở các xã huyện, tỉnh thành trên đất nước mình. Chỉ biết tương lai của lũ trẻ "chồi - lá" Pa Cheo đang sáng sủa hơn, cuộc sống của chúng được cải thiện hơn nhờ những người chả có tý Đảng - Chính phủ nào cả.

Buồn cười thế đấy, nhưng mà thật. Thật đến nhói đau và khó hiểu:

Những gì bác Trần Đăng Tuấn và những tấm lòng nhân hậu đóng góp - tham gia trong Chương trình "Cơm có thịt" (đọc tại đây), liệu xóa được "đói cơm rách áo" cho lũ trẻ ở những miền núi xa xôi như Suối Giàng, Pa Cheo, Văn Chấn, Điện Biên... trong bao lâu, khi mà những bát cơm - miếng thịt, tấm áo, đồ dùng nấu ăn... họ mang lên cho cô trò, chỉ nhờ vào sự đóng góp từng ngày, từng giờ của những người đọc được Blog Trần Đăng Tuấn với những khoản tiền chắt bóp, san sẻ ít ỏi trong cuộc sống cũng ngày một cơ cực, khó khăn?.


Hành trình làm việc tốt (nhiều người bảo: Làm thay việc của ối cán bộ ngành Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban Dân tộc Miền núi, Mặt trận Tổ quốc... từ Trung ương xuống địa phương) kéo dài chừng nào, khi những người tham gia, có khi phải đi vay mượn để sắm sanh cho lũ trẻ, sau những gì cơ cực được chứng kiến, từ mỗi chuyến đi?.

Mình đã nghe chuyện: Một lãnh đạo của tỉnh Yên Bái (địa phương có xã Suối Giàng là điểm bắt đầu của Chương trình "Cơm có thịt" và sau đó, huyện Văn Chấn được phủ toàn bộ "Cơm có thịt" (đọc tại đây) cho các trường nội trú dân nuôi với số lượng 1.411 học sinh. Chương trình hỗ trợ Văn Chấn bao gồm: Cấp tiền mua thực phẩm cho học sinh nội trú dân nuôi với mức 120.000 đ/tháng/em từ tháng 12/2011 đến hết 5/2012; hỗ trợ cho một số trường mua dụng cụ nhà bếp để tổ chức nấu ăn; nghiên cứu để hỗ trợ việc cung cấp bò giống cho các trường chăn nuôi. Xây dựng thêm phòng ký túc xá cho các em... với tổng số tiền cho 2 việc đầu là trên 1 tỷ đồng), trong 1 buổi họp cuối năm với các ngành chức năng trong tỉnh, đã kể lại việc làm của "Cơm có thịt" và yêu cầu "học tập - nhân rộng" (may là vị này có cán bộ tham mưu hay đọc... Blog). Các "đại biểu" dự họp, hết thảy đều ngơ ngác bởi "không thấy báo đăng, ti vi phát" nên khi nghe lãnh đạo tỉnh yêu cầu: "Liên hệ xin số điện thoại của người phát động Chương trình (Trần Đăng Tuấn) để gọi điện cảm ơn và địa chỉ để... gửi Giấy khen"), ai cũng gãi đầu rồi... quên phắt.


Chuyện buồn cười thế đấy. Nhưng thôi kệ!.

Ngày mai trời trở lạnh, lại có những thành viên "Cơm có thịt" đi tàu, đi xe lên Lào Cai, ngược Bát Xát, tìm đến Pa Cheo với những thứ rất bình thường, nhưng rất cần thiết mang tên "Gánh hàng xén lên Pa Cheo" (đọc tại đây, và tại đây).

Tất cả sẽ lại lăn lóc, lặc lè, rớt nước mắt và đau đáu nỗi niềm, khi chia tay lũ lít nhít, về xuôi với những nỗi lo áo cơm thường thật. Ai cũng hỏi: "Tại sao? Thế nào" và lại bám vào niềm hy vọng, mong manh nhưng duy nhất: "Sẽ có thêm những người đồng cảm, chia sẻ cho những đứa trẻ này vợi bớt cơ cực, khó khăn. Để tương lai đất nước tươi sáng hơn, từ niềm thương rất thật!".

Và ngày mai, mình lại lên Pa Cheo!...

Không có nhận xét nào: